19/01/2024

An Giang nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

An Giang nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

- Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của An Giang cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (đạt tỷ lệ 81,7% so 73,5% của cả nước). Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 95% khi kết thúc kỳ giải ngân năm 2023 (đến ngày 31/1/2024), đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn của chủ đầu tư, nhà thầu, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Cố gắng từ cơ sở

Khi có tên trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước, huyện Tri Tôn được phân bổ nguồn vốn lớn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để đầu tư cơ sở hạ tầng, mô hình, dự án tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Xác định đây là cơ hội, là động lực để vươn lên thoát nghèo, huyện tập trung khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai công trình, dự án theo tiêu chí vừa đảm bảo tiến độ, vừa phát huy hiệu quả trong thực tế.

Đoàn công tác UBND tỉnh kiểm tra các công trình đầu tư công

Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tri Tôn Lê Thanh Phong cho biết, năm 2023, huyện được giao tổng nguồn vốn đầu tư công xây dựng cơ bản hơn 355 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023), gồm 182 công trình.

Đến cuối năm 2023, giải ngân được hơn 253 tỷ đồng, đạt 71,3% tổng kế hoạch vốn. Trong đó, vốn từ 3 chương trình MTQG được phân bổ gần 225 tỷ đồng (138 công trình), giải ngân hơn 160 tỷ đồng, đạt 71,2%; vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh gần 84,7 tỷ đồng (18 công trình), giải ngân hơn 71 tỷ đồng, tỷ lệ 84,1%; vốn đầu tư từ nguồn ngân sách huyện gần 46 tỷ đồng (26 công trình), giải ngân 21,5 tỷ đồng, tỷ lệ 47%.

 

Đối với vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Tri Tôn phân bổ gần 167 tỷ đồng theo kế hoạch vốn được giao, giải ngân đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ 77,2%. Các công trình thuộc Dự án 1 (hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo) phát huy hiệu quả khá tốt. Trong khi đó, vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được phân bổ hơn 22 tỷ đồng cho 53 công trình, giải ngân được 79,4%.

Đối với vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phân bổ 35,8 tỷ đồng cho 64 công trình, giải ngân mới đạt 38,2%, do còn nhiều vướng mắc trong hướng dẫn thực hiện. Dù vậy, mỗi dự án đều tác động tích cực đến vùng đồng bào DTTS Khmer còn nhiều khó khăn của huyện. Riêng nguồn vốn đầu tư công do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Tri Tôn làm chủ đầu tư, tỷ lệ giải ngân đến cuối năm 2023 đạt 85%, cao hơn bình quân của tỉnh.

Tập trung các công trình trọng điểm

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang Nguyễn Hữu Nghị cho biết, năm 2023, tổng các kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao cho tỉnh hơn 7.947 tỷ đồng, gồm: Vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023 gần 474 tỷ đồng; kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách nhà nước 7.473 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, lũy kế giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công 6.492 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 81,7%, tăng 10,8% so năm 2022, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (73,5%). Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 được kéo dài sang năm 2023 đạt 75,4%; giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đạt 82,1%.

 

Triển khai các dự án

Tuy tỷ lệ giải ngân các kế hoạch vốn năm 2023 đạt thấp hơn yêu cầu đề ra (phấn đấu đến hết tháng 12/2023, đạt từ 85 - 90%), nhưng thời gian qua, các chủ đầu tư, sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện đã nỗ lực, quyết tâm phấn đấu rất cao.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghị, trong các nguyên nhân làm chậm quá trình giải ngân, giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao, cơ bản vẫn do các dự án vướng công tác triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là dự án trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp. Tiếp theo, trong quá trình triển khai, phát sinh các vấn đề cần điều chỉnh thủ tục dự án.

Vẫn còn một số dự án thuộc các chương trình MTQG chưa hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án. Trong khi đó, thủ tục để xử lý vi phạm hợp đồng, tổ chức lựa chọn lại nhà thầu, thời gian thẩm tra thiết kế, thẩm định thiết kế dự toán kéo dài… làm chậm tiến độ giải ngân một số dự án, như: Nhà hát tỉnh An Giang; cải tạo, xây dựng mới một số hạng mục thuộc Trường Cao đẳng Y tế An Giang; Trường THPT Vĩnh Xương...

Có trường hợp năng lực nhà thầu kém, triển khai thi công chậm tiến độ so với hợp đồng (dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - tiểu dự án TP. Long Xuyên). Một số nhà thầu thi công chưa thật sự quyết tâm trong triển khai dự án. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan, như: Giá nguyên, nhiên liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2023 tăng cao, ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà thầu thi công; việc khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng cũng gây ảnh hướng đến tiến độ thực hiện các gói thầu.

 

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT An Giang Nguyễn Hữu Nghị cho rằng, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện, chủ đầu tư cần tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao (đến ngày 31/1/2024). Đồng thời, thực hiện nghiêm nghị quyết của HĐND tỉnh, chỉ đạo của UBND tỉnh về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát; xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình MTQG là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tập trung ưu tiên chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao...

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương, chủ đầu tư cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, thanh, quyết toán theo hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước

 

"Nguồn: baoangiang.com.vn"