15/02/2024

An Giang tập trung nguồn lực cho giao thông

An Giang tập trung nguồn lực cho giao thông

 An Giang có đường biên giới dài gần 100km, có thể liên kết với Vương quốc Campuchia bằng giao thông đường bộ lẫn đường thủy qua 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông), cửa khẩu phụ Bắc Đai. Tất cả đều có đường giao thông kết nối trực tiếp, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa với Vương quốc Campuchia.

Hàng loạt công trình trọng điểm

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải An Giang Ngô Công Thức, được sự quan tâm của Trung ương, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có tác động lớn đối với sự phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh và khu vực ĐBSCL, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông”.

 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khảo sát tiến độ thi công tuyến tránh Long Xuyên

Trên địa bàn tỉnh triển khai 5 dự án lớn, gồm: Đầu tư xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tổng chiều dài 188km, từ biên giới tỉnh An Giang qua TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và kết thúc tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang dài 57km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng; được khởi công vào tháng 6/2023; dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên có chiều dài 17,3km, tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2017, đến nay hoàn thành 40 cây cầu, giá trị thực hiện hơn 100 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) (Đường tỉnh 945), tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến hết năm 2024; hiện đạt khoảng 70%. Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến hết năm 2024, tiến độ đạt khoảng 55%.

Sự kiện hợp long cầu Châu Đốc vào đầu tháng 12/2023 mang đến niềm phấn khởi cho người dân An Giang. Ban Quản lý Dự án công trình giao thông và nông nghiệp An Giang làm chủ đầu tư dự án bắc qua sông Hậu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay (về mặt kỹ thuật và quy mô xây dựng) được triển khai tại tỉnh.

Dự kiến, công trình hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024. Cây cầu phá vỡ thế ngăn cách, tạo kết nối giao thông giữa TP. Châu Đốc, các địa phương khác trong tỉnh với thị xã cù lao Tân Châu, giúp rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn 5 phút so với 30 phút đi phà trước đây.

Cũng từ cầu Châu Đốc, tuyến Quốc lộ N1 được thông suốt, kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam Bộ (Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang), hoàn thiện hệ thống giao thông liên khu vực trong vùng, tạo điều kiện phát triển KTXH tỉnh An Giang, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới Tây Nam.

Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 5.628km, gồm: Quốc lộ có 4 tuyến, tổng chiều dài 153km; đường tỉnh 19 tuyến, tổng chiều dài 530km; đường đô thị có tổng chiều dài 699km và hệ thống đường giao thông nông thôn 4.238km. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) cho địa phương, hình thành mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại liên hoàn và kết nối với hệ thống giao thông tỉnh, thành phố lân cận.

Phân bổ tối đa nguồn lực

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công (bao gồm vốn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương và Chương trình phục hồi KTXH) cho 69 dự án hạ tầng giao thông, khoảng 17.691 tỷ đồng, chiếm 50% so với tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh. Ngoài ra, các địa phương huy động nguồn lực xã hội xây dựng 102 cầu giao thông nông thôn, góp phần phát triển KTXH và phục vụ nhu cầu Nhân dân.

Cùng với đó, tỉnh hoàn thành các dự án: Nâng cấp Đường tỉnh 943, 949; nâng cấp tuyến đường phục vụ quốc phòng - an ninh kết hợp đê ngăn lũ vùng Tứ giác Long Xuyên, đoạn từ Châu Đốc - cửa khẩu Tịnh Biên (Đường tỉnh 955A); cầu Nguyễn Thái Học - TP. Long Xuyên; cầu Phú Hòa, Đường tỉnh 943; xử lý sạt lở sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 đoạn qua huyện An Phú; nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 941 (đoạn từ cầu số 16 đến ngã 3 giao nhau giữa đường 3 tháng 2 và đường Hùng Vương); xây dựng cầu Mướp Văn, cầu Sắt Giữa…

 

Đầu tư hạ tầng giao thông tại TP. Long Xuyên

Từng địa phương thể hiện nỗ lực trong phát triển hạ tầng giao thông. Tại đô thị Long Xuyên, dự án nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Long Xuyên đang ráo riết thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2024. Đường Lê Trọng Tấn, đường liên xã Mỹ Khánh (từ cầu Thông Lưu đến cầu Cái Chiêng), đường nối cầu sắt tạm đường Lê Hồng Phong đến đường số 12 Khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ, đường Hàm Nghi nối dài, đường lộ mới Hòa Thạnh… đang dần rõ nét. “Đầu năm 2023, chúng tôi dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư 19 dự án. Đến cuối năm, 80% công việc được hoàn thành. Các dự án còn lại đang triển khai theo quy trình, như: Kiểm kê thiệt hại, xử lý khó khăn, vướng mắc, khảo sát giá đất bồi thường…” - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Long Xuyên Bùi Quang Trợ thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định: “Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch” là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ với mạng lưới giao thông cấp vùng và khu vực. Tỉnh kiến nghị nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư 9 công trình giao thông trọng điểm, có tính liên vùng, liên tỉnh và nội tỉnh, tổng vốn 5.511 tỷ đồng. Việc tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ là nền tảng, điều kiện, tạo động lực và lợi thế cho An Giang trong thu hút đầu tư, tạo bứt phá phát triển KTXH những năm tiếp theo.

Tỉnh An Giang đã kiến nghị bổ sung dự án “Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi qua cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C)”, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

 

" Nguồn: baoangiang.com.vn''