18/06/2023

An Giang thúc đẩy giải ngân đầu tư công

An Giang thúc đẩy giải ngân đầu tư công

An Giang thúc đẩy giải ngân, thúc đẩy phát triển

Nhiều công trình đầu tư công trên địa bàn An Giang có ý nghĩa tạo động lực phát triển rất lớn cho tỉnh cũng như vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, phần nào giải tỏa nỗi trăn trở không chỉ của riêng An Giang mà cả “vùng trũng” ĐBSCL, làm sao để rút ngắn khoảng cách về mọi mặt giữa miền Tây với các vùng kinh tế khác của cả nước, trước mắt là miền Đông Nam Bộ và đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

 

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các công trình, dự án

Sâu sát đến từng công trình

Quý I/2023, An Giang là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước (mới đạt hơn 5% so mức bình quân 9,69%). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (Tổ trưởng Tổ công tác số 1) họp khẩn, yêu cầu cùng với 4 địa phương khác (TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng) cam kết đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, sau 4 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của An Giang chỉ đạt 10,2%, vẫn thấp hơn bình quân cả nước (15%).

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngày 4/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký Quyết định 416/QĐ-UBND về thành lập các đoàn kiểm tra công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, 4 đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã trực tiếp đến từng công trình, dự án tiêu biểu do các sở, ngành, địa phương làm chủ đầu tư; kiểm tra kỹ tiến độ, tìm hiểu nguyên nhân chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến tiến độ thi công để từng bước tháo gỡ. Qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh biểu dương những chủ đầu tư, nhà thầu có tinh thần trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời nhắc nhở, phê bình những đơn vị, địa phương thiếu quan tâm, còn lơ là trách nhiệm, để công trình chậm tiến độ do lỗi chủ quan.

Nhờ sự vào cuộc sâu sát của lãnh đạo tỉnh cùng nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của An Giang đã khả quan hơn. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Hữu Nghị, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến cuối tháng 5/2023 đạt trên 20%, tăng hơn 10% so tháng 4; bằng mức giải ngân của tháng 3 và tháng 4 cộng lại.

“Thành quả này là nỗ lực của các chủ đầu tư, cho thấy sự quyết liệt, phấn đấu, đôn đốc đơn vị thi công để có khối lượng giải ngân. An Giang đề ra mục tiêu phấn đấu trong tháng 6 lọt ra khỏi nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp của cả nước, vươn lên nhóm trung bình khá” - ông Nghị thông tin.

 

Tăng cường trách nhiệm

Ở thị xã đầu nguồn Tân Châu, tổng kế hoạch vốn năm 2023 được bố trí hơn 199 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5/2023, đã giải ngân hơn 64,8 tỷ đồng, đạt 32,58% so kế hoạch. Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ cho biết, một số các dự án, công trình đang chờ sở, ngành tỉnh và các trung tâm thẩm định, Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư và xây dựng khu vực TX. Tân Châu đang tranh thủ liên hệ để điều chỉnh và bổ sung thủ tục.

Còn trên địa bàn huyện Phú Tân, tổng nguồn vốn bố trí năm 2023 trên 129,7 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến ngày 31/5/2023 được trên 14,6 tỷ đồng, đạt 11,28% kế hoạch. Giải thích nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo cho biết, đối với dự án đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021 - 2025, chưa được phê duyệt do phải chỉnh sửa nhiều lần theo ý kiến đóng góp của ngành chuyên môn tỉnh, đảm bảo phù hợp với các quy định mới được ban hành về việc bổ sung hệ thống phòng cháy, chữa cháy; trong khi nguồn vốn trong dự án không đủ cân đối để bổ sung hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho từng điểm trường. Sở KH&ĐT đã có cuộc họp với các huyện nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đã báo cáo đề xuất UBND tỉnh tại Công văn 1285/SKHĐT-KHN, ngày 31/5/2023, chờ  UBND tỉnh cho ý kiến để thực hiện.

Dẫn đầu đoàn công tác đến khảo sát công trình, làm việc với UBND huyện Phú Tân và TX. Tân Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, trong số các nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, như: Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư còn chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ nên gặp vướng mắc trong triển khai; nhà thầu còn yếu kém về năng lực; công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư chưa tốt…

Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn theo kế hoạch đề ra trong thời gian còn lại của năm 2023, ông Lê Văn Phước yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Người đứng đầu các sở, ngành, dự án phải nêu cao trách nhiệm, sát sao các dự án để chỉ đạo, tháo gỡ, triển khai thực hiện đạt kết quả. Các chủ đầu tư rà soát kỹ tiến độ kế hoạch vốn đã bố trí cho phù hợp thực tế và kịp thời báo cáo, không để xảy ra tình trạng thiếu vốn trong nội bộ tổng nguồn vốn giao cho chủ đầu tư.

 

Giải quyết bài toán mặt bằng

Qua kiểm tra ở các địa phương cho thấy, công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng vẫn là khâu gặp nhiều vướng mắc nhất, cần tập trung tháo gỡ.

Điển hình như Dự án cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tân Trung mở rộng (huyện Phú Tân), phần diện tích thu hồi đất 17,4ha, có 68 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số tiền bồi thường hơn 71,8 tỷ đồng. Đến nay, đã chi 58/68 hộ (diện tích 12,5ha), số tiền trên 52,3 tỷ đồng; còn lại 10 hộ (diện tích 4,9ha) chưa nhận số tiền trên 19,4 tỷ đồng.

Trong đó, 7 hộ có đơn khiếu nại về giá đất bồi thường, UBND huyện đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung giữ nguyên giá đất bồi thường, nhưng còn 4 hộ chưa đồng ý, tiếp tục khiếu nại. Với dự án này, UBND huyện Phú Tân kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục giao đất cho huyện để tập hợp hồ sơ, lập thủ tục bảo vệ thi công, giao đất cho nhà đầu tư.

Tại địa bàn trọng điểm Long Xuyên, tiến độ thi công các dự án đang được đẩy nhanh. Theo BQLDA đầu tư và xây dựng khu vực TP. Long Xuyên, kế hoạch vốn năm 2023 phân bổ cho 116 danh mục dự án, trong đó ngân sách thành phố bố trí 87 danh mục dự án, ngân sách tỉnh bố trí 4 danh mục dự án. “Tính đến nay, địa phương giải ngân hơn 72,4 tỷ đồng (đạt 33,2%), trong đó vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 27,5%; vốn ngân sách thành phố giải ngân đạt gần 40%” - Giám đốc BQLDA Nguyễn Duy thông tin.

Dù tỷ lệ giải ngân cao nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc lớn đối với các dự án triển khai trên địa bàn TP. Long Xuyên. Điển hình như, đường dẫn vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh An Giang, gói thầu xây lắp (giá trị hợp đồng 22,1 tỷ đồng, khởi công ngày 17/11/2022, kế hoạch hoàn thành ngày 17/11/2023), hiện đạt khối lượng 22%, đang chờ hộ dân di dời, bàn giao mặt bằng thi công. Đối với dự án nâng cấp đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ cầu Tầm Bót đến đường Phạm Cự Lượng), các gói thầu đạt tiến độ từ 22 - 36%; cần thu hồi 36.700m2 đất của 29 hộ dân, trong đó 20 hộ đã hoàn thành thủ tục, còn 8 hộ dân không đến nhận tiền, bàn giao mặt bằng thi công, dù địa phương nhiều lần vận động; 1 hộ lấn chiếm đất công.

Trên địa bàn huyện Tri Tôn, Dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 941 (đoạn từ cầu 16 đến ngã ba đường 3/2 và đường Hùng Vương), có 192 hộ dân trong dự án phải giải phóng mặt bằng; đến nay, có 178 hộ thống nhất nhận tiền bồi thường (đạt 92,7%), còn 14 hộ chưa nhận tiền, huyện tiếp tục đối thoại, trong đó có những hộ đã đối thoại nhiều lần nhưng chưa thống nhất phương án bồi thường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được thuận lợi, các chủ đầu tư cần có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo. Khi dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, chủ đầu tư cần phối hợp địa phương xác định diện tích đất, nhà ở, vật kiến trúc, cây cối để tính giá trị bồi thường.

Khi người dân thống nhất nhận bồi thường nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục thì cho tạm ứng bồi thường trước 75%, để người dân giao mặt bằng, khi hoàn chỉnh thủ tục thì chi hết phần còn lại. Cách làm này nhằm tránh tình trạng người dân “đổi ý” sau một thời gian dài chờ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, không còn đồng ý với mức bồi thường, phải đối thoại, giải quyết mất thời gian, ảnh hưởng tiến độ công trình.

 

Chú ý giải ngân thường xuyên

Cùng với nỗ lực của các địa phương, những công trình, dự án do các sở, ngành làm chủ đầu tư cũng đang được tập trung thực hiện quyết liệt.

Đối với Dự án cơ sở làm việc Công an tỉnh, do Công an tỉnh làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 349 tỷ đồng; khởi công tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành tháng 8/2023. Tuy nhiên, tiến độ thi công hiện mới đạt khoảng 36% khối lượng so hợp đồng. Đơn vị thi công đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian thực hiện thêm 330 ngày.

Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị hoặc thi công không kịp tiến độ, hoặc cứ thực hiện công trình, ít chú ý đến việc giải ngân thường xuyên. Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Kim Hai chia sẻ kinh nghiệm: “Hiện nay, ngân sách vẫn đảm bảo nguồn thanh toán khối lượng cho dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, đề nghị chủ đầu tư phối hợp nhà thầu rà soát khối lượng lập hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc nhà nước, để được giải ngân kịp thời hàng tuần, hàng tháng; có khối lượng nào thì giải ngân phần đó. Như vậy, sẽ góp phần nâng tỷ lệ giải ngân của tỉnh từng ngày. Ngoài ra, đối với dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được duyệt có nhu cầu tạm ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chủ đầu tư nên gửi văn bản đến Sở Tài chính, phối hợp Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh xử lý”.

 

Đến kiểm tra các công trình do một số sở, ngành làm chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị: “Thời gian tới, cần đôn đốc, sát sao hơn nữa, xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giải ngân tốt, sẽ giúp phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng phát triển theo. Đây là tiêu chí đánh giá đơn vị, địa phương có hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong năm hay không. Tuy nhiên, phải đảm bảo mục tiêu ban đầu của dự án; tăng cường khối lượng giải ngân vốn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình”.

- Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ các công trình đầu tư công, đặc biệt với các dự án giao thông, là cần khối lượng cát rất lớn cho san lấp, xây dựng. Ngoài đảm bảo cho các dự án trên địa bàn An Giang (khoảng 11 triệu m3), tỉnh còn cung ứng gần 10 triệu m3 cát cho các dự án cao tốc vùng ĐBSCL. Bên cạnh nguồn cát sông, cần cơ chế mở để các doanh nghiệp đầu tư khai thác cát lòng hồ cặp chân núi (nạo vét theo hình thức xã hội hóa, thu hồi khoáng sản), khai thác cát vùng Bảy Núi, cung ứng cho các công trình đầu tư trên địa bàn tỉnh. - 

(Nguồn: Báo An Giang)