13/09/2023

Những ngân hàng nào đang cho khách vay để trả nợ ngân hàng khác, lãi suất ở từng ngân hàng thế nào?

Những ngân hàng nào đang cho khách vay để trả nợ ngân hàng khác, lãi suất ở từng ngân hàng thế nào?

Ngay sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/9, nhiều ngân hàng thông báo sẽ cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất hấp dẫn

Mới đây, VietinBank đã tung ra gói hỗ trợ lãi suất dành cho các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng. Theo đó, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6% vay sản xuất kinh doanh ) và chỉ từ 7,5%/năm (đối với vay tiêu dùng ). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Với chính sách mới tại VietinBank, khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như: Bất động sản/tiền mặt/số dư trên tài khoản tiền gửi/sổ/thẻ tiết kiệm/giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người thân để bảo đảm cho khoản vay tại VietinBank.

Trước đó, BIDV cho biết khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn. Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm . Đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm.

Vietcombank cũng triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 06 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu.

Tại Techcombank , khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản dễ dàng từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm , ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.

MB cho biết đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.

MB cho phép khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Ngoài ra, đối với khách hàng ưu tiên, MB còn có thể điều chỉnh lãi suất xuống còn 7,5%/năm cố định trong vòng 12 tháng.

Đồng thời, phía MB cho biết khách hàng có thể sử dụng chính tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để đảm bảo cho khoản vay mới.

ACB cũng áp dụng chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay mua bất động sản tại ngân hàng khác từ ngày 1/9. Mức lãi suất ưu đãi mà Ngân hàng công bố hiện dành cho khách hàng vay mua bất động sản năm đầu tiên là 8%/năm.

Đua cho vay trả nợ ngân hàng khác liệu có ảnh hưởng đến NIM các nhà băng?

Trước đây, nếu muốn chuyển khoản vay sang ngân hàng khác có lãi suất thấp hơn, người vay sẽ phải tìm cách vay nóng một khoản tiền, để tất toán khoản vay đó. Sau đó, mới làm hồ sơ vay mới tại ngân hàng khác. Nhưng với quy định mới, người dân có thể chuyển hồ sơ sang vay luôn ngân hàng khác để trả nợ khoản vay cũ.

Cho vay trả nợ trước hạn thực chất từ trước đã được các ngân hàng thực hiện đối với các doanh nghiệp với mục đích cho vay kinh doanh. Điểm mới là hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã cho phép mở rộng sang áp dụng cho cả khách hàng cá nhân.

Việc nhiều ngân hàng lớn đã triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi làm dấy lên một số lo ngại về áp lực cạnh tranh về lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ gia tăng và biên thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ bị giảm xuống. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán ACBS, dự báo chính sách mới sẽ không có tác động quá đáng kể lên NIM của các ngân hàng vì những lý do sau:

Thứ nhất, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo, do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

Thứ hai, thông thường các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1%-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng.

Thứ ba, khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là rất khác nhau. Yêu cầu chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo và hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản đảm bảo (LTV) là khác nhau giữa các ngân hàng và do đó, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu trên khi vay vốn tại ngân hàng mới.

Thứ tư, trên thực tế, việc cạnh tranh về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng từ trước đến nay luôn luôn diễn ra. Tuy nhiên, đối với khách hàng, quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất như khả năng được chấp nhận hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo, định giá tài sản đảm bảo cũng như hạn mức tín dụng được cấp của mỗi ngân hàng.

 

" Nguồn: cafef.vn "